Tiểu Cần: Tỏa sáng những gương Thanh niên tiêu biểu

Thứ Hai, Ngày 1 tháng 7 năm 2024 Vào lúc 14:55 11
         Thực hiện lời Bác Hồ dạy “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, thời gian qua, đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Tiểu Cần không những phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ trong các hoạt động vì lợi ích cộng đồng, mà còn tích cực thi đua làm kinh tế vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

         Anh Trang Văn Thẳng - Phó Bí thư Huyện đoàn Tiểu Cần cho biết: Những năm gần đây, Chương trình “Đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp”, được tuổi trẻ huyện Tiểu Cần tích cực hưởng ứng. Bằng khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện đã xây dựng mô hình kinh tế bước đầu cho hiệu quả.

 

Đoàn viên Thạch Xuân với mô hình nuôi bò sinh sản

         Điển hình như gương Bí thư Chi đoàn ấp Ô Trao, xã Hiếu Tử - Thạch Xuân với mô hình nuôi bò sinh sản. Anh Xuân cho biết, trước đây ngoài việc chăm sóc hơn 03 hecta đất trồng lúa của gia đình, anh còn chăn nuôi hơn 10 con bò (giống bò địa phương) nhưng anh thấy hiệu quả kinh tế không cao. Với khát vọng làm giàu cho bản thân và gia đình, vào năm 2019 sau thời gian nghiên cứu và học tập mô hình chăn nuôi bò sinh sản (giống Angus) từ bạn bè và trên mạng xã hội, anh Xuân mạnh dạn bán tất cả các con bò đang nuôi để đầu tư nuôi 04 con bò nái giống Angus. Sau thời gian chăm sóc, anh Xuân nhận thấy giống bò này rất dễ nuôi, hiện tại anh đang tận dụng nguồn rơm từ việc trồng hơn 03 hecta lúa và tự trồng thêm 1.000m2 cỏ để dự trữ nguồn thức ăn cho bò. Anh Xuân cho biết, cứ mỗi năm bò mẹ sẽ đẻ 01 bò con, sau 05 tháng chăm sóc bò con có thể xuất bán với giá từ 15 - 20 triệu đồng. Từ khi chuyển sang nuôi bò sinh sản giống Angus này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Anh Thạch Xuân - Bí thư Chi đoàn ấp Ô Trao, xã Hiếu Tử chia sẻ: “Lúc đầu tôi có nuôi bò cỏ với vịt xiêm nhưng tôi thấy hiệu quả không cao nên tôi chuyển sang nuôi bò Angus sinh sản, tôi đầu tư nuôi được 04 con. Thời điểm đó tôi mua 01 con giá 45 triệu đồng. Sau 03 năm chăm sóc, tôi xuất bán được 12 con bò. Tôi thấy giống bò này cũng dễ nuôi, dễ chăm sóc và hướng tới tôi sẽ nhân rộng đàn bò để tăng thu nhập cho gia đình”.

         Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Thạch Xuân còn là tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào của địa phương. Hàng năm anh đều được Xã đoàn Hiếu Tử đề nghị Tỉnh đoàn Trà Vinh, Huyện đoàn Tiểu Cần tuyên dương gương thanh niên dân tộc tiêu biểu. Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình và hoạt động phong trào ở địa phương, năm 2022 anh Xuân vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói về đoàn viên Thạch Xuân, anh Đặng Hoàng Vũ - Phó Bí thư Xã đoàn Hiếu Tử nhận xét: “Đồng chí Thạch Xuân luôn hòa đồng, nhiệt tình và xung kích trong mọi hoạt động. Hàng năm Xã đoàn luôn xem xét để tuyên dương cho đồng chí về lĩnh vực Thanh niên tiêu biểu. Về mô hình chăn nuôi bò sinh sản của đồng chí đạt hiệu quả rất cao đối với ấp và xã. Mô hình này cũng được Xã đoàn xem xét nhân rộng để cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã noi theo để tiếp tục tăng thu nhập cho gia đình”.

Đoàn viên Lê Minh Tú chăm sóc đàn bò của gia đình

         Còn đối với đoàn viên Lê Minh Tú (sinh năm 1994), là một trong những thanh niên cần cù, chịu thương, chịu khó trong phát triển kinh tế gia đình. Được biết vào đầu năm 2017 anh Tú tham gia nghĩa vụ quân sự tại Trung Đoàn 926, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Trà Vinh. Chỉ sau 01 năm học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội, anh Tú vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương vào năm 2019, anh Tú phụ giúp gia đình thông qua việc canh tác 4,5 công đất ruộng, vườn và chăm sóc hơn 10 con bò, bên cạnh đó anh Tú còn làm thêm nghề tài xế lái xe tải thu mua dừa khô trên địa bàn. Ngoài ra, anh Tú còn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Với tinh thần năng nổ, nhiệt huyết của tuổi trẻ, vào năm 2020 anh Tú được tín nhiệm chọn làm Bí thư Chi đoàn ấp Chánh Hội A. Đến năm 2021, với khát vọng vươn lên làm giàu, cộng với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, sau thời gian nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi mô hình nuôi ốc bươu đen trên mạng xã hội, anh Tú đã tận dụng 2,5 công đất vườn để đào ao nuôi ốc bươu đen. Anh Tú cho biết, ban đầu anh thả nuôi khoảng 10.000 con, với giá con giống khá thấp, khoảng 5 triệu đồng. Sau quá trình nuôi từ 4 đến 6 tháng, có thể xuất bán ra thị trường, giá khoảng 50.000 đồng/kg. Anh Tú chia sẻ, ốc bươu đen khá dễ nuôi, có thể tận dụng thức ăn là bèo trong tự nhiên và phế phẩm của các loại rau, củ, quả. Tuy nhiên, quá trình nuôi ốc bươu đen cần quan tâm đến chim bìm bịp vì sẽ làm thất thoát về số lượng ốc. Chia sẻ về quá trình nuôi ốc bươu đen, anh Lê Minh Tú - Bí thư Chi đoàn ấp Chánh Hội A, xã Ngãi Hùng cho biết: “Qua quá trình tìm tòi, học hỏi, tôi nhận thấy mô hình nuôi ốc bươu đen đem lại giá trị kinh tế khá cao. Về quy trình nuôi khá dễ dàng, trước tiên chọn ao nuôi phải có nguồn nước sạch. Tiếp theo mình chọn con giống, con giống sau khi ấp nở khoảng 01 tháng thì đem thả ra ao nuôi tự nhiên. Về nguồn thức ăn cho ốc thì có thể tận dụng thức ăn trong tự nhiên như: bèo và các rau, củ, quả. Sau quá trình nuôi khoảng 4 đến 6 tháng thì có thành phẩm, bán ra thị trường”.

Đoàn viên Lê Minh Tú nghiên cứu thực hiện quy trình ốc gác bếp

         Được biết, đoàn viên Lê Minh Tú đang nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để thực hiện mô hình ốc gác bếp, theo anh Tú ốc gác bếp sẽ cho thu nhập kinh tế cao hơn ốc tươi. Anh Lê Minh Tú phấn khởi nói về dự định cũng như quy trình thực hiện mô hình ốc gác bếp: “Về quy trình làm ốc gác bếp khá dễ, sau khi thu hoạch ốc tươi có thể đem gác trên bếp khoảng 03 tháng sẽ ra thành phẩm. Thành phẩm ốc gác bếp sẽ đem lại chất lượng cao hơn ốc tươi, trước tiên là nó sạch hơn ốc tươi, không bị hôi đất, hôi sình, chất lượng thịt ốc sẽ ngon hơn, mập hơn và giá trị về kinh tế cao hơn ốc tươi”.

         Bên cạnh việc tích cực tham gia phát triển kinh tế, anh Tú còn được đánh giá là một đoàn viên thanh niên năng nổ, nhiệt huyết, tích cực tham gia các phong trào Đoàn; gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ và vận động đoàn viên, thanh niên trên địa bàn cùng nhau phát triển kinh tế. Nhận xét về đoàn viên Lê Minh Tú, anh Phùng Quốc Quài - Bí thư Xã đoàn Ngãi Hùng cho biết: “Với vai trò là Bí thư Chi đoàn, đoàn viên Lê Minh Tú luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do Ban Chấp hành Xã đoàn cũng như các hoạt động của địa phương phát động. Với khả năng sáng tạo, tìm tòi học hỏi thì đoàn viên Tú đã nghiên cứu, tìm tòi học hỏi mô hình nuôi ốc trên mạng xã hội, đồng thời áp dụng vào điều kiện thực tế của địa phương bước đầu mang lại hiệu quả khá cao với số vốn ban đầu tương đối thấp. Đây là mô hình được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng như Ban Thường vụ Đảng ủy rất quan tâm trong lực lượng đoàn viên thanh niên. Đảng ủy xã đã chỉ đạo BCH Xã đoàn thành lập tổ hợp tác hoặc có thể thành lập hợp tác xã thanh niên, nhằm nâng cao giá trị của con ốc bươu đen, đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương, cũng như góp phần trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã Ngãi Hùng”.

Đoàn viên Lê Minh Tú với mô hình nuôi ốc bươu đen tự nhiên

         Được biết, thời gian qua Huyện đoàn Tiểu Cần luôn khuyến khích đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện mạnh dạn đầu tư xây dựng các dự án khởi nghiệp, phát triển các mô hình kinh tế trong khu vực dịch vụ, dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Hiện nay trên địa bàn huyện có Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp cấp huyện và 07 tổ hợp tác, 06 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên với 146 thành viên. Nhận xét về Chương trình “Đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp” trong thời gian qua, anh Trang Văn Thẳng - Phó Bí thư Huyện đoàn Tiểu Cần cho biết: “Qua thời gian triển khai thực hiện đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế trong đoàn viên thanh niên mang lại hiệu quả, ngoài mô hình bò sinh sản của đoàn viên Thạch Xuân tại xã Hiếu Tử và mô hình nuôi ốc bươu đen của đoàn viên Lê Minh Tú tại xã Ngãi Hùng, trên địa bàn huyện còn có các mô hình của đoàn viên mang lại hiệu quả như mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học tại xã Long Thới, mô hình nuôi lươn không bùn tại xã Hiếu Trung và mô hình nuôi ếch thương phẩm, trồng bưởi da xanh, trồng ổi Ruby tại xã Hùng Hòa. Trong thời gian tới, thực hiện theo chương trình công tác năm cũng như Nghị quyết đại hội đoàn nhiệm kỳ 2022 - 2027 và thực hiện theo đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp giai đoạn 2022 - 2030, Huyện đoàn sẽ tiếp tục phối hợp các ngành có liên quan, đặc biệt phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp phát triển mô hình kinh tế tại gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đô thị văn minh tại địa phương”.

         Một lần nữa có thể khẳng định, với tinh thần xung kích, tình nguyện và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ trong công tác Đoàn cũng như các phong trào tại địa phương cùng với khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân và gia đình của tuổi trẻ huyện Tiểu Cần đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng quê hương Tiểu Cần ngày càng giàu đẹp./.

Bản in
(02943) 851.917
vanthutu@travinh.gov.vn
zalo
youtube
OnTop