Cán bộ, đảng viên Đảng ủy xã Hiệp Hòa nghiên cứu chuẩn mực đạo đức đặt tại đơn vị
Khởi nguồn của việc xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức được bắt đầu từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị với trọng tâm “5 nội dung cần xây và 5 nội dung cần chống” và “Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên” theo Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, qua đó đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, bước sang giai đoạn triển khai thực hiện Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Đảng bộ huyện ngoài việc chỉ đạo đưa chuyên đề học tập hàng năm vào nghị quyết của từng địa phương, đơn vị, thì việc xây dựng chuẩn mực đạo đức theo từng chuyên đề tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Để việc triển khai có hiệu quả, sau khi tổ chức quán triệt nội dung Chuyên đề 2021 (toàn khóa) về “Ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã trực tiếp hướng dẫn các chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy bổ sung xây dựng chuẩn mực đạo đức phù hợp với chuyên đề học tập, trường hợp nếu chuyên đề của những năm sau có nội dung mới thì hướng dẫn mới gửi các chi bộ điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp để niêm yết tại nơi làm việc. Nhìn chung, các gợi ý nội dung chuẩn mực được Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu triển khai xây dựng tất cả đều trên nguyên tắc chung “đảm bảo tính ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện”. Trong đó, có 6 nội dung chính đối với chuẩn mực chung là: Sống có lý tưởng, vì nước, vì dân, vì con người, vì xã hội; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, trách nhiệm với công việc; trung thực, tự trọng, trong sáng, giản dị, khiêm tốn; tôn trọng luật pháp, kỷ cương; đoàn kết, nhân ái; suốt đời phấn đấu, rèn luyện, học tập. Bên cạnh đó, đối với chuẩn mực riêng về đạo đức nghề nghiệp, mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã chủ động rà soát, vận dụng tiêu chí đạo đức của ngành dọc, cấp trên xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức theo ngành, lĩnh vực cụ thể, sát hợp với thực tiễn và chức năng, nhiệm vụ. Kết quả đến nay, Đảng bộ huyện Cầu Ngang có tổng số 46 chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy duy trì thực hiện được 281 bảng chuẩn mực đạo đức. Cụ thể: 19 đảng ủy trực thuộc Huyện ủy xây dựng được 34 bảng (trong đó, mỗi đảng ủy xã, thị trấn treo 02 bảng tại đảng ủy và UBND xã, thị trấn); 27 bảng được treo tại chi bộ ngành huyện; 220 bảng treo tại chi bộ trực thuộc các đảng bộ cơ sở, đạt 100%.
Theo đánh giá của đồng chí Trịnh Ngọc Lan, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện: Nhìn chung, thông qua việc đánh giá, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều chấp hành, thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức do chi bộ, cơ quan, đơn vị đề ra. Từ đó, đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lấy đó làm chuẩn mực để bản thân phấn đấu, rèn luyện, học tập và làm theo, cụ thể tuân thủ quy tắc ứng xử, nền nếp văn hóa công vụ; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tự giác rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống,… Tiếp tục lấy việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, chính sách, pháp luật liên quan đến công vụ cùng các chuẩn mực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và xét khen thưởng hàng năm, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức, một số cấp ủy cơ sở còn lúng túng trong chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng, nhất là việc chỉ đạo bổ sung nội dung chuẩn mực mới theo chuyên đề toàn khóa chưa được tập trung thực hiện tốt; nội dung chuẩn mực đạo đức của một số cơ quan, đơn vị còn chung chung, dàn trải, khó nhớ, có nội dung chưa sát với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xây dựng, tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn huyện, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất và thực sự phát huy hiệu quả.
Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo nội dung chuyên đề toàn khóa, với phương châm “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và đánh giá việc thực hiện”; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch.
Ba là, việc chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, bổ sung chuẩn mực đạo đức cần cụ thể, khoa học hơn, theo đúng quy trình. Lãnh đạo cấp trên trực tiếp xem xét, góp ý giúp đơn vị hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ bảo đảm khi ban hành đáp ứng yêu cầu chung và sát với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bốn là, cần cụ thể hóa những giá trị đạo đức về cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, trung thực, trách nhiệm,... thành những chuẩn mực cụ thể trong thi hành công vụ. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức trau dồi đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong thực thi công vụ.