Tuyến đường hoa hương lộ 5 của xã Mỹ Long Bắc là một trong những tuyến đường hoa được duy trì hiệu quả và đẹp nhất của huyện
Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Huyện ủy, đầu năm 2021, huyện Cầu Ngang đã chỉ đạo xây dựng được 168 mô hình, trong đó có 115 mô hình tập thể, 53 mô hình cá nhân (có 24 mô hình mới) được triển khai, nhân rộng; nhiều mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, điển hình như: Mô hình “Xây dựng môi trường làm việc ngăn nắp, trật tự để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả công việc” (gọi tắt là phương pháp 5S); mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm xây dựng quỹ khuyến học - khuyến tài”; mô hình “Tuyến đường hoa”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp”; mô hình “Hùn vốn xoay vòng hỗ trợ hội viên nghèo mua bảo hiểm y tế”; mô hình “Nuôi lươn không bùn”; mô hình “Mượn đất cho hộ đoàn viên Thanh niên nghèo trồng màu, phát triển sản xuất”… Nhìn chung, thời gian qua các mô hình nêu trên đã có sức lan tỏa rất lớn trong đời sống xã hội, đó là nhờ vào sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội, đã tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa sâu sắc trong toàn Đảng và lan tỏa trong đời sống xã hội, hiện đang được tiếp tục nhân rộng.
Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2021, do nhiều nguyên nhân khách quan, đặc biệt là do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19 nhiều mô hình hay, cách làm tiêu biểu trên các lĩnh vực đã không còn phát huy hiệu quả, thậm chí có nhiều mô hình đã “phá sản”, điển hình như: Mô hình “Tuyến đường hoa” ở một số địa phương, do ảnh hưởng dịch bệnh nên không thể ra quân chăm sóc, củng cố, từ đó hiệu quả không cao, nhiều cây cảnh bị chết; một số mô hình trong phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, do giá cả các mặt hàng không ổn định; bên cạnh đó, việc xây dựng, phát hiện và nhân rộng các “mô hình”, “điển hình” tiêu biểu trong học tập và làm theo gương Bác ở một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; nhiều mô hình, điển hình chưa phát huy hết tác dụng lan tỏa, lôi cuốn; có lúc, có nơi chưa tạo môi trường thuận lợi để những “hạt giống điển hình” tiếp tục nêu gương, tỏa sáng… Chính vì những nguyên nhân trên, đồng thời để triển khai, thực hiện hiệu quả Chuyên đề toàn khóa về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; trọng tâm là nâng cao chất lượng mô hình, ngày 22/12/2021, Bí thư Huyện ủy Trần Thị Kim Chung đã ký ban hành Kế hoạch số 56-KH/HU về “Xác định tiêu chí và cách thức xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, Kế hoạch này đã có nhiều nội dung hướng dẫn rất rõ cách xác định tiêu chí để xây dựng một mô hình hiệu quả, đạt chuẩn; nhất là việc xây dựng những mô hình, điển hình mới, cụ thể:
Một là, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần quán triệt thật nghiêm túc việc học tập và làm theo Bác trong toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Nội dung bám sát mục đích, yêu cầu, các nhiệm vụ trọng tâm nêu trong Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và theo từng Chuyên đề cụ thể hàng năm. Từ đó, yêu cầu mỗi tập thể, cá nhân tùy theo đặc điểm tình hình và nhiệm vụ cụ thể để lựa chọn, đăng ký những việc, những mô hình làm theo sát thực, hiệu quả, khái quát thành những khẩu hiệu cụ thể dễ nhớ, dễ làm, dễ kiểm tra, đánh giá, tránh lý luận chung chung. Đặc biệt là việc lựa chọn mô hình để triển khai thực hiện, các chi, đảng bộ cần tách biệt giữa 2 loại hình trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và trong các phong trào thi đua khác như phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Nếu cấp ủy đã lựa chọn mô hình để triển khai thực hiện trong việc học tập và làm theo gương Bác thì không được chọn lại để thực hiện trong Dân vận khéo.
Hai là, tích cực đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình nhằm lan tỏa, tạo hiệu ứng sâu rộng, lôi cuốn, cổ vũ, để cái tốt ngày càng sinh sôi nảy nở, phát triển và hòa chung với thực tiễn hoạt động của địa phương, cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, cần đổi mới, vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền như: các buổi sinh hoạt chi bộ, chi, tổ hội của đoàn thể; tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã; Trang thông tin điện tử; biểu dương dưới cờ để động viên, khích lệ các gương điển hình tiêu biểu, từ đó định hướng những cách làm hay cho các đơn vị, cá nhân noi theo.
Ba là, phát huy vai trò nêu gương, cán bộ, đảng viên theo Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư; cấp trên nêu gương cho cấp dưới; cán bộ, đảng viên nêu gương cho quần chúng học tập, làm theo. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận, đoàn thể và nhân dân trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, với phương châm “xây đi đôi với chống, lấy nhân tố tích cực đẩy lùi tiêu cực”.
Bốn là, làm tốt công tác kiểm tra, sơ, tổng kết công tác xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kịp thời phát hiện, điều chỉnh những hạn chế, yếu kém và phát huy những ưu điểm, kết quả trong quá trình thực hiện để kịp thời lan tỏa sâu rộng các gương điển hình tiêu biểu.
Tin tưởng rằng, với việc tiếp tục quan tâm, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng, sẽ ngày càng có nhiều hơn nữa gương điển hình tiêu biểu và mô hình, cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần xây dựng huyện Cầu Ngang ngày càng phát triển.