Quang cảnh Hội thảo
Dự Hội thảo có 120 đại biểu đại diện lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân, Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh; các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Trường Chính trị tỉnh, Tỉnh đoàn; trường Đại học Trà Vinh, Cao đẳng y tế, Cao đẳng nghề; các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; Trung tâm chính trị các huyện ủy, thị ủy, thành ủy; đại biểu và các địa phương, đơn vị có bài tham luận. Đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; tiến sĩ Phạm Quốc Thới, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh; tiến sĩ Nguyễn Thị Bạch Vân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đồng chủ trì Hội thảo.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 3813-CV/VPTU, ngày 12/3/2024 của Văn phòng Tỉnh uỷ “V/v tham mưu thực hiện Kế hoạch số 429-KH/TW, ngày 29/02/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương” tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”, từ ngày 19/4/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn Trà Vinh tập trung phối hợp, phát động, định hướng các tập thể, cá nhân, nhất là tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học trên địa ban tỉnh tham gia viết tham luận theo các chủ đề gợi ý. Đến trước Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo nhận được gần 100 bài tham luận của các tập tập thể, cá nhân.
ThS. Nguyễn Thị Thu Sương, Giảng viên Trường Chính trị tỉnh tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, sau khi theo dõi báo cáo đề dẫn chung về kết quả thực hiện Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Bộ Chính trị về việc “tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân” của tỉnh, Hội thảo đã được theo dõi phần trình bày nội dung 07 tham luận của đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Trường Đại học Trà Vinh, Tỉnh đoàn, Trường Chính trị tỉnh, Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh, Trường Trung học phổ thông Cầu Ngang B, Trung tâm chính trị Thị xã Duyên Hải. Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết, các ý kiến tham luận đã tập trung vào các vấn đề quan trọng của công tác đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Trà Vinh như: đào tạo, bồi dưỡng, nghiệp vụ sư phạm, nhất là nghiệp vụ, phương pháp thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 cho giảng viên, giáo viên, tăng cường khả năng chuyển hóa nội dung vấn đề lý luận chính trị, đạo đức, văn hóa vận dụng, liên hệ vào thực tế nghiên cứu, áp dụng vào học tập, công tác, đời sống của người học; nâng cao chất lượng, tính khoa học, hợp lý của đề thi kiểm tra nhằm khai thác và phát huy hết tư duy sáng tạo của học viên; chú trọng việc đánh giá hiệu quả sau đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường “dạy người”, giáo dục đạo đức cách mạng, ý thức chính trị, văn hóa cho học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, khắc phục tình trạng “nhạt Đảng, phai Đoàn, xa chính trị”, không có ý thức vươn lên trong học tập và rèn luyện, lười học tập, lao động, thờ ơ, không tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Đội, các phong trào do nhà trường, địa phương tổ chức…
Phát biểu đề dẫn và bế mạc Hội thảo, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tinh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn cầu thị, tiếp thu các đề xuất, các giải pháp hữu ích, phù hợp về nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân tỉnh Trà Vinh của các địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân, qua đó tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy giải pháp, định hướng chỉ đạo sát hợp, hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Quốc Tuấn, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tinh ủy phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
Qua đó, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghie các cấp uỷ, người đứng đầu các địa phương, đơn vị xác định việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin là nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng về tư tưởng; tiếp tục chú trọng gắn thực hiện Kết luận số 94-KL/TW với Chương trình hành động số 39-CTr/TU, ngày 10/02/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và Kế hoạch số 79-KH/TU, ngày 04/6/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”. Các đơn vị trường học trong tỉnh nghiên cứu, vận dụng, cụ thể hóa thực hiện có hiệu quả nội dung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kĩ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực; chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khoá, nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học… Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn, các trường đại học, cao đẳng, các trường học trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, rà soát, đánh giá về số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận, kỷ năng, phương pháp dạy học tích cực, hiện đại cho đội ngũ giảng viên, giáo viên; có giải pháp tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường-gia đình và xã hội trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ; quan tâm phát hiện, bồi dưỡng gương người tốt, việc tốt, điển hình, tiên tiến, xây dựng và nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, lấy “xây” để “chống”, làm cho các giá trị tốt đẹp có sức lan tỏa trong cộng đồng thanh niên; tăng cường công tác quản lý văn hóa, kịp thời ngăn chặn tác động xấu của các sản phẩm không lành mạnh đến thanh niên; quan tâm đầu tư thỏa đáng những thiết chế văn hóa để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho thanh thiếu niên...