Tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn, thông qua đó nhằm để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Trà Vinh khóa XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 ra mắt hạ quyết tâm trước đại hội. Ảnh: KL
Ngày 22/5/2014, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam ban hành Quyết định số 589/QĐ-TLĐ ban hành quy định về việc tổ chức Công đoàn Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, của đoàn viên, công chức, viên chức và người lao động tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Đồng thời tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn.
Theo đồng chí Trần Thị Kim Chung, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, nhiệm kỳ 2018 - 2023, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhiệm kỳ qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động công chức, viên chức và người lao động tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền bằng những việc làm thiết thực.
Cụ thể là thực hiện tốt và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội; tổ chức, phát huy trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên tham gia ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trong đó có nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm; tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng cùng cấp chuẩn bị, giới thiệu nhân sự cán bộ chủ chốt của tổ chức công đoàn tham gia cấp ủy, đại biểu HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026; triển khai nhiều giải pháp phát hiện, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, xem xét kết nạp vào Đảng.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Minh Đằng (thứ tư, từ phải sang) tặng bức trướng cho Đại hội XI Công đoàn tỉnh Trà Vinh, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: KL
Việc phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực.
Lĩnh vực xây dựng chính quyền, các cấp công đoàn tổ chức giám sát việc chấp hành pháp luật đối với doanh nghiệp 325 lượt; tổ chức phản biện xã hội 39 cuộc, qua đó góp phần tạo sự đồng thuận giữa các cấp chính quyền và doanh nghiệp trong sản xuất lao động, chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động.
Lĩnh vực xây dựng Đảng, các cấp công đoàn tổ chức tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với 32.254 cuộc cho 753.851 lượt CNVCLĐ; tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho tổ chức cơ sở đảng và cá nhân đảng viên về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, chuyên môn; mối quan hệ giữa đảng viên với quần chúng CNVCLĐ.
Nhiệm kỳ qua, các Công đoàn cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phối hợp chặt chẽ trong việc tạo nguồn bồi dưỡng, giới thiệu 6.473 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, qua đó đã kết nạp 4.298 đảng viên mới (đạt 66% so với số giới thiệu).
Bên cạnh đó, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tham mưu với cấp ủy Đảng, phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức 08 lớp cảm tình Đảng cho gần 1.000 đoàn viên là công nhân lao động. Đến nay, toàn tỉnh có 10 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân, 21 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, với 412 đảng viên. Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp có đảng viên nhưng chưa có tổ chức cơ sở đảng, hiện đang sinh hoạt tại nơi cư trú.
Đại biểu biểu quyết thông qua danh sách giới thiệu nhân sự bầu Ban Chấp hành khóa mới tại Đại hội XI Công đoàn tỉnh Trà Vinh, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: KL
Đồng chí Trần Thị Kim Chung khẳng định: từ kết quả việc phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã góp phần phát huy quyền làm chủ của CNVCLĐ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; phát huy quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, của đoàn viên, CNVCLĐ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; góp phần thể chế hóa và cụ thể hóa cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn.
Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động tại địa phương trong thời gian qua cho thấy, việc phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cũng còn một số tồn tại, hạn chế.
Theo đồng chí Trần Thị Kim Chung, nguyên nhân những tồn tại, hạn chế là do một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức người lao động, chưa phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Một số nơi, cán bộ công đoàn chưa thật sự chủ động, tích cực trong việc tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền, phối hợp với chính quyền chuyên môn cùng cấp tổ chức các hoạt động, các kênh thông tin, các điều kiện để CNVCLĐ mạnh dạn, tích cực, trách nhiệm trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Còn không ít CNVCLĐ, nhất là công nhân lao động trong các doanh nghiệp chưa mạnh dạn, thiếu bản lĩnh, chưa thẳng thắn đóng góp ý kiến cho đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, chuyên môn. Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức thiếu rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có lối sống xa hoa, xa rời quần chúng… làm giảm lòng tin trong CNVCLĐ.
Việc tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong công nhân lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn khó khăn, do người lao động chưa tha thiết với tổ chức công đoàn, ít quan tâm đến vấn đề chính trị - thời sự của đất nước, chưa tha thiết đứng vào hàng ngũ của Đảng…
Đồng chí Trần Thị Kim Chung, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trà Vinh. Ảnh: KL
Để phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đồng chí Trần Thị Kim Chung đề xuất 05 giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức trong cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, CNVCLĐ về mục đích, ý nghĩa, nội dung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Hai là, làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch về mọi mặt; trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị doanh nghiệp; giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giám sát việc tu dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, mối quan hệ với quần chúng nhân dân, xây dựng lòng tin trong Nhân dân nói chung và CNVCLĐ nói riêng.
Ba là, các cấp Công đoàn cần mạnh dạn, chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, chuyên môn cùng cấp tổ chức các hoạt động, để CNVCLĐ tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, khuyến khích, động viên, bảo vệ CNVCLĐ mạnh dạn tham gia góp ý xây dựng Đảng, phản biện xã hội.
Bốn là, tiếp tục đổi mới hoạt động công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” theo hướng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người lao động, để thu hút, tập hợp công nhân lao động vào tổ chức Công đoàn.
Năm là, cần quan tâm hơn công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp; giáo dục về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng, của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên làm chủ tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ.