Nỗ lực nhằm đạt mục tiêu: Phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Thứ Năm, Ngày 6 tháng 6 năm 2024 Vào lúc 11:33 21

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp, tỉnh Trà Vinh đã tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, nhất là triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, làm chuyển biến toàn diện vùng đồng bào Khmer. Quan tâm quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực; tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách; ban hành chủ trương, chính sách thuộc thẩm quyền phù hợp, kịp thời, góp phần củng cố lòng tin vững chắc của đồng bào dân tộc Khmer đối với Đảng, Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nên đời sống đồng bào Khmer không ngừng nâng lên.

anh tin bai

Tuyến đường đan ở vùng đồng bào dân tộc Khmer được đầu tư phục vụ nhu cầu dân sinh
(xã Phước Hưng, huyện Trà Cú)

Quan tâm quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực

Thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 17/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tạo nguồn quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Đội ngũ cán bộ, công chức Khmer trong hệ thống chính trị của tỉnh là 4.815 đồng chí, chiếm 21,35% tổng số cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, cán bộ dân tộc Khmer giữ chức danh lãnh đạo, quản lý 560 đồng chí, chiếm 12,6% (cấp tỉnh 78 đồng chí, chiếm 13,92%, cấp huyện 133 đồng chí, chiếm 23,75%, cấp xã, phường, thị trấn 349 đồng chí, chiếm 62,32%). Về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn, ý thức trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer không ngừng nâng lên, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Công tác phát triển đảng viên được triển khai thực hiện tốt, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh kết nạp 1.401 đảng viên. Trong đó, dân tộc Khmer 322 đảng viên; hiện toàn tỉnh có 13 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; 511 tổ chức cơ sở đảng. Trong đó, có 194 đảng bộ cơ sở, 317 chi bộ cơ sở; với 1.976 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở, 05 đảng bộ bộ phận; với 47.122 đảng viên, trong đó có 8.349 đảng viên Khmer (chiếm 17,72% tổng số đảng viên toàn tỉnh).

Giai đoạn 2020 - 2025, cơ cấu đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là dân tộc Khmer đảm bảo yêu cầu đặt ra. Cụ thể, đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh Trà Vinh có 3/6 là dân tộc thiểu số, chiếm 50%; đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X có 15/49 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 30,61%; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện có 50/287 đại biểu là người dân tộc, chiếm 17,42% và đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn có 611/2.720 đại biểu là người dân tộc, chiếm 22,46%.

Quan tâm quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực cán bộ dân tộc; giữ, đảm nhận các chức danh lãnh đạo, quản lý là yêu cầu đòi hỏi khách quan, nhằm đảm bảo tính kế thừa, liên tục và phát triển. Đồng thời, xây dựng bố trí cán bộ dân tộc Khmer giữ các chức danh chủ chốt là trách nhiệm của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị.

Chủ trương, đường lối của Đảng hợp lòng dân

Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quyết liệt Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2023, cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; kết quả các chỉ tiêu Nghị quyết cơ bản đều đạt và vượt, nổi bật là tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 8,25% (đứng thứ 2 trong vùng đồng bằng sông Cửu Long), GRDP bình quân đầu người đạt 81,75 triệu đồng/người/năm, đến nay toàn tỉnh có 85/85 xã đạt nông thôn mới, 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỉnh đã phối hợp hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đã khởi công xây dựng cầu Đại Ngãi, hoàn thành giai đoạn 2 Dự án Luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu và một số công trình dự án quan trọng khác.

Tỉnh ủy đã lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết, như: Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND, ngày 07/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 19/2022/NQ-HĐND, ngày 09/12/2022 quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng đã được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2023 - 2025... đã phát huy hiệu quả tích cực, thực hiện tốt hơn Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Nhìn lại đời sống của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh giữa 2 mùa Chôl Chnam Thmây, dễ dàng nhận thấy những thay đổi. Năm 2023, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer với tổng kinh phí hơn 451,294 tỷ đồng (vốn đầu tư 218,334 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 232,960 tỷ đồng). Trong đó, ngân sách Trung ương 407,203 tỷ đồng, ngân sách địa phương 44,091 tỷ đồng, thực hiện 10 dự án lớn. Dự án giải quyết hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt có ý nghĩa quan trọng, kinh phí 119,091 tỷ đồng; đã hỗ trợ 34/50 hộ, số tiền 1,474 tỷ đồng; nhà ở 767/795 hộ, số tiền 32,682 tỷ đồng; đất sản xuất, chuyển đổi nghề 261/323 hộ, số tiền 2,610 tỷ đồng; nước sinh hoạt 121/157 hộ, số tiền 297,26 triệu đồng... Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, toàn tỉnh đã hỗ trợ nhà ở cho 2.418 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong các nghị quyết đã triển khai, Nghị quyết này đã tạo “luồng gió” mới cho những hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh, nhất là hộ nghèo Khmer; nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn đã có điều kiện xây dựng nhà ở, “an cư lạc nghiệp”, tạo niềm tin, động lực vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

anh tin bai

Đồng chí Kim Ngọc Thái (bìa phải), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tìm hiểu về mặt hàng nghêu của Hợp tác xã Thành Công (xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang) tham gia trưng bày tại Hội chợ Xúc tiến Thương mại và Công nghiệp nông thôn và OCOP gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2023

Đời sống đồng bào Khmer không ngừng nâng lên

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện và tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các vị sư sãi, chức sắc, chức việc, người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo, đã tạo sự đồng thuận, quyết tâm thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, đời sống nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 3.416 hộ nghèo, chiếm 1,19% so với tổng số hộ dân. Trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer 1.827 hộ, chiếm 2,03% so với tổng số hộ Khmer. Tổng số hộ cận nghèo 6.773 hộ, chiếm 2,35% so với tổng số hộ dân. Trong đó, hộ cận nghèo dân tộc Khmer 2.926 hộ, chiếm 3,25% so với tổng số hộ Khmer.

Đạt được những kết quả nêu trên là sự phấn đấu quyết liệt của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và Nhân dân. Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương và phát huy thành tích đạt được để tiếp tục triển khai thực hiện đạt Nghị quyết năm 2024 và phấn đấu thực hiện đạt Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ:

Thứ nhất, triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy về phát triển trong vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo; tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/10/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, động viên đồng bào dân tộc phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

anh tin bai

Đồng chí Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm bệnh nhân tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền

Thứ hai, quan tâm chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương và tình hình biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật; tập trung triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, có thương hiệu, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Thứ ba, phối hợp giữa các cấp, các ngành thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách an sinh xã hội; quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào vùng đồng bào Khmer để giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề, khuyến khích lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống người dân.

Thứ tư, ưu tiên các nguồn lực để thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách về nước sinh hoạt, điện, kết cấu hạ tầng ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. 

Thứ năm, đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và các dịch vụ y tế phục vụ người dân; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hạn chế thấp nhất học sinh dân tộc Khmer các cấp bỏ học giữa chừng.

Thứ sáu, thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ đổi mới. Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là người dân tộc Khmer, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ có đủ năng lực, đủ đức, đủ tài, có sự am hiểu về phong tục tập quán,… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ bảy, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận; phát huy dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác nắm tình hình, sâu sát cơ sở; lựa chọn người có uy tín phù hợp với tình hình; xây dựng lực lượng nòng cốt trong các đoàn thể đủ mạnh; kịp thời phát hiện giải quyết những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, nhất là tranh chấp, khiếu kiện có liên quan đến dân tộc, tôn giáo và kiên quyết không để phát sinh những vấn đề phức tạp, vượt cấp, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào Khmer.

 Thứ támtăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào Khmer ý thức cao trong đấu tranh, ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội; đồng thời cảm hóa các đối tượng có tư tưởng hẹp hòi, cực đoan dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.   

Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh

 

(Trích nguồn: "Cổng thông tin điện tử Tỉnh Trà Vinh - https://travinh.gov.vn/thoi-su-chinh-tri/no-luc-nham-dat-muc-tieu-phat-trien-toan-dien-vung-dong-bao-khmer-tren-dia-ban-tinh-tra-vinh-711409")

Bản in
 
(02943) 851.917
vanthutu@travinh.gov.vn
zalo
youtube
OnTop