Xác định thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tác động tích cực đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, tăng thêm niềm tin trong Nhân dân; theo Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh, năm 2023, một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực thực hiện tốt đó là tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (trong ảnh: người dân thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè xem thông tin được niêm yết công khai tại trụ sở UBND thị trấn Cầu Kè). Ảnh: KL
Nỗ lực thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, năm 2022, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện QCDC ở cơ sở. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, thực hiện QCDC theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ gắn với việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC ở cơ sở cũng được quan tâm, định kỳ 06 tháng kiểm tra nắm tình hình tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cuối năm kiểm tra, đánh giá xếp loại, đánh giá những mặt làm được, chưa được, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện tốt QCDC.
Theo đó, các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong tỉnh đã thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tập trung đổi mới hoạt động quản lý, điều hành theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch, dân chủ, thân thiện, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” với phương châm “trọng dân, gần dân, học dân, hiểu dân và có trách nhiệm với Nhân dân”. Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, những bức xúc trong Nhân dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, ý thức phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), chiến sĩ lực lượng vũ trang…
Các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, cụ thể hóa chính sách, pháp luật của Nhà nước thành quy chế, quy định nhằm mở rộng dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo điều kiện cho Nhân dân được bàn, quyết định những công việc quan trọng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm tra việc thi hành chính sách, pháp luật, thực hiện QCDC ở cơ sở nhằm sớm phát hiện, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm, gây phiền hà cho Nhân dân.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai, thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với công tác giám sát, phản biện xã hội; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên; nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Góp phần thực hiện tốt QCDC ở xã, phường, thị trấn, công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, dịch vụ công trực tuyến... được quan tâm, chỉ đạo thực hiện hiệu quả, giảm bớt phiền hà, tiết kiệm thời gian, chi phí cho Nhân dân. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được tăng cường, góp phần hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài. Ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ tổ chức, công dân của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cũng có nhiều chuyển biến tích cực; mức độ hài lòng của người dân ngày càng nâng lên.
Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ hòa giải, các hoạt động tự quản của người dân ở xã, phường, thị trấn tiếp tục được tăng cường, nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động. Trong năm, đã tổ chức giám sát 619 cuộc, nội dung giám sát chủ yếu là việc thực hiện các công trình phúc lợi xã hội, hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức... góp phần phòng, chống tiêu cực, lãng phí, giải quyết tốt các mâu thuẫn, tạo sự đồng thuận, đoàn kết.
Thực hiện QCDC trong hoạt động cơ quan, 100% (791/791) cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức hội nghị CBCCVC. Thông qua đó, phát huy dân chủ trực tiếp, tạo điều kiện cho CBCCVC, người lao động tích cực tham gia ý kiến, thảo luận, bàn bạc các biện pháp thực hiện, xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế, quy định, công khai tài chính; phát động và ký kết giao ước thi đua; xây dựng, thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả làm việc, cải thiện đời sống CBCCVC, người lao động.
Ban thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy chức năng, nhiệm vụ giám sát việc thực hiện nghị quyết hội nghị CBCCVC, các chế độ chính sách, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện QCDC ở cơ sở… góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CBCCVC.
Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, các doanh nghiệp tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai, thực hiện từng nội dung Chương V, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; thực hiện đầy đủ các nội dung người sử dụng lao động phải công khai; người lao động được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát…
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, năm 2023, Ban Chỉ đạo QCDC ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh đã đề ra 05 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị; trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ gắn với việc triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về các nội dung liên quan đến quyền làm chủ của Nhân dân; Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; các văn bản về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Ban chỉ đạo QCDC các cấp tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn; phân công nhiệm vụ các thành viên; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động; nâng cao chất lượng hoạt động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, về thực hiện QCDC ở cơ sở.
(Trích nguồn: "Báo Trà Vinh - https://www.baotravinh.vn/chinh-quyen/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-viec-xay-dung-thuc-hien-quy-che-dan-chu-o-co-so-26169.html")