Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật Tố cáo năm 2018 cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Khoản 1 Điều 2, Luật Tố cáo).
Để tạo điều kiện cho cá nhân thực hiện tốt quyền tố cáo của mình, pháp luật cũng quy định các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo như sau: (1) Người giải quyết tố cáo; (2) Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo; (3) Cơ quan Công an; (4) Cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; (5) UBND các cấp, Công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác. Cụ thể tại Điều 49 Luật Tố cáo năm 2018 quy định:
- Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ.
- Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo.
- Cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.
- Cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ.
- UBND các cấp, Công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện việc bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.
Hoàng Thủy