Đôi tay của Cựu Chiến binh ngày ấy

Thứ Hai, Ngày 1 tháng 7 năm 2024 Vào lúc 9:4 11
Phát huy truyền thống Cách Mạng “Anh bộ đội cụ Hồ” bằng ý chí, nghị lực quyết tâm không chịu nghèo khó người Cựu chiến binh Nguyễn Văn Mãnh ở ấp Rạch Đập, xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh đã cùng gia đình xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả. Có thể nói người Cựu chiến binh này là người đã đi tiên phong trong việc phát triển kinh tế nhờ vào mô hình trồng bưởi da xanh ở địa phương.

 Ảnh: Ông Nguyễn Văn Mãnh, ấp Rạch Đập, xã Nhị Long.
Tôi tìm đến ngôi nhà của người Cựu chiến binh Nguyễn Văn Mãnh vào một buổi chiều khi cơn mưa vừa tạnh sau những ngày nắng hạ. Tuy ngôi nhà nằm sâu trong một con đường quê ngoằn ngoèo nhưng khi hỏi thăm người dân xung quanh ấp không ai mà không biết đến ông rồi đưa tay chỉ về phía ngôi nhà phía trước có dán bảng “Căn nhà tình nghĩa” do Bộ Công an tặng năm 2012. Được gặp gỡ và trò chuyện với ông tôi chợt liên tưởng đến những người lính mà tôi từng nhiều lần được tiếp xúc ở họ có một điểm chung là sự lạc quan vui vẻ và cả ý chí, nghị lực không chỉ trong chiến đấu mà còn thể hiện ngay ở giữa trong cuộc sống đời thường. Ông hai Mãnh tiếp đón, trò chuyện với chúng tôi rất cởi mở và chân tình thỉnh thoảng ông còn xen vào những câu chuyện thú vị khác về cuộc sống, về những năm tháng trên chiến trường năm xưa. Thế nhưng khi hỏi về phát triển kinh tế gia đình thì ông vui vẻ kể về những ngày đầu lập nghiệp đầy khó khăn trên mãnh đất Nhị Long quê ông.

Sinh năm 1948 tại xã Nhị Long trong một gia đình có truyền thống Cách Mạng có cha ruột là liệt sỹ Nguyễn Văn Hoàng là Cán bộ Công an tỉnh Vĩnh-Trà hoạt động Cách Mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ ở huyện Vũng Liêm nay thuộc tỉnh Vĩnh Long, lớn lên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi đăng ký lên đường nhập ngũ khi chưa tròn mười lăm tuổi ở địa phương tôi tham gia vào du kích ấp, năm 1964 là ấp đội phó ấp Rạch Đập. Năm 1966 tôi tham gia vào lực lượng Công an vũ trang của tỉnh trong những năm đó chiến trường Càng Long-Trà Vinh diễn ra rất ác liệt sợ con mình đi lính rồi hy sinh giống như ba tôi nên má tôi gọi tôi trở về. Khi trở về chưa được một năm tôi trốn nhà đi theo Trung đoàn 3, Tiểu đoàn 306 ở Đại đội F9 tôi đã tham gia nhiều trận đánh lớn mà một trong những trận đánh lớn nhất ở Chi khu Càng Long là trận Đập Ấu ở trận đó ta tập kích Sư đoàn 7 đánh tan một Tiểu đoàn của ngụy. Năm 1968 ông rời tiểu đoàn 306 đi theo đơn vị lực lượng vũ trang Quân Khu 4 Sài Gòn-Gia Định giử chức vụ Tiểu đoàn trưởng thuộc Công an vũ trang của quân khu đây là cơ quan đầu não bảo vệ lực lượng vũ trang của Quân khu. Ngày vác ba lô trên vai tôi nói với gia đình rằng nếu tôi có hy sinh ở chiến trường thì tôi đã làm tròn trách nhiệm với quê hương đất nước, nếu tôi còn sống khi nước nhà thống nhất nhất định tôi sẽ trở về. Ông còn nhớ như in trận đánh ở ấp 5, xã Thành An, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre lực lượng vũ trang của Quân khu phối hợp với Bộ đội chủ lực tỉnh Bến Tre gồm 02 Tiểu đoàn của tỉnh và 01 Tiểu đoàn vũ trang của Quân khu ta tập kích Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9 của ngụy ở trận đánh ác liệt đó đất trời như rung chuyển ta đánh tan tác hai Sư đoàn phía địch thiệt hại khoảng 800 quân ở phía Tiểu đoàn vũ trang của Quân khu hy sinh 12 người, bị thương 20 người.
 
Năm 1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh tôi tham gia vào lực lượng cơ yếu T4 Khu Sài Gòn-Gia Định lúc đó Thành Ủy Thành Phố giao cho lực lượng cơ yếu T4 bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo và tiếp quản Thành Phố. Lực lượng của tôi được phân công từ Củ Chi tiến vào Thành Phố chiếm bót Hàng Keo, chiếm giữ Ty Chiêu Hồi Thị Nghè phối hợp cùng với lực lượng vũ trang có sẵn trong nội thành Thành Phố lãnh đạo lực lượng quần chúng nổi dậy chiếm nhiều bót, làm chủ được nhiều quận nội thành. Đến 9 giờ 30 phút sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi chiến dịch kết thúc đất nước ta hoàn toàn giải phóng trong niềm vui sướng của quân và dân Thành Phố. Sau khi giải phóng tôi tiếp tục công tác ở lực lượng cơ yếu T4 Khu Sài Gòn-Gia Định nay là Phòng cơ yếu thuộc Văn phòng Thành Ủy Thành Phố Hồ Chí Minh. Đến năm 1981 tôi xin nghỉ việc về với gia đình khi đang là Trung Úy Công an phòng cơ yếu T4.
 
Sau những năm tháng cống hiến sức trẻ, sống, chiến đấu và trãi qua những lần sinh tử nơi chiến trường tôi lại trở về với cuộc sống đời thường. Tôi lập gia đình lúc đó cũng rất khó khăn nhất là khi các con tôi lần lượt ra đời thì cuộc sống ngày càng chật vật, cũng làm đủ thứ nghề nhưng đâu vẫn vào đấy khó khăn vẫn khó khăn. Để tìm hướng thoát nghèo vợ chồng tôi cải tạo phần đất ruộng của gia đình chuyển sang làm vườn trồng xoài, hoa màu nhưng năng suất không cao vì chưa có kinh nghiệm. Sau đó tôi chuyển sang trồng bưởi da xanh trên 07 công đất vườn đã cải tạo lại với hy vọng sẽ có nguồn thu nhập ổn định để có điều kiện chăm lo cuộc sống và nuôi dạy các con khôn lớn. Đúng là “Trời không phụ lòng người” mô hình trồng bưởi da xanh của anh mang lại hiệu quả, chưa dừng lại ở đó tôi tận dụng diện tích trồng bưởi trồng cỏ để nuôi bò sinh sản cả hai mô hình đó đã mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm cho gia đình.
 
Ông Nguyễn Văn Mãnh còn cho biết thêm: Bản thân là một người lính tôi luôn học tập theo lời dạy của Bác Hồ dù có khó khăn đến đâu cũng không được chùn bước “Thương binh có tàn nhưng không phế” huống chi khi trở về địa phương mình còn lành lặn tôi nói như vậy để bản thân tiếp tục nổ lực phấn đấu. Vì vậy mà trong cuộc sống đời thường tôi không ngại khó, ngại khổ luôn vượt qua bản thân xây dựng kinh tế gia đình trên chính quê hương nơi mà tôi đã từng sinh ra và lớn lên. Hiện tại kinh tế gia đình tôi rất ổn định các con lần lượt có gia đình đã có việc làm bản thân tôi cảm thấy mừng và mãn nguyện lắm rồi.
 
Chia tay với ông Nguyễn Văn Mãnh trong thâm tâm tôi vô cùng khâm phục trước sự cố gắng vượt lên bằng cả ý chí và nghị lực của bản thân người Cựu chiến binh này. Trong chiến tranh gian khổ đôi tay người cựu chiến binh này đã chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc, khi chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ thì đôi tay ấy trở về quê hương lao động vất vả để hàn gắn lại vết thương chiến tranh. Vì vậy mà với ông tình yêu quê hương luôn luôn trọn vẹn, ông mãi là anh bộ đội Cụ Hồ ở vùng đất Nhị Long anh hùng này.                        
Bản in
(02943) 851.917
vanthutu@travinh.gov.vn
zalo
youtube
OnTop