Vì vậy, tìm hiểu tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không phải chỉ thông qua những tác phẩm của Bác về đạo đức, mà quan trọng là thông qua chính hành vi được thể hiện trong toàn bộ hoạt động thực tiễn của Bác, thông qua mẫu mực đạo đức trong sáng mà Bác đã để lại cho dân tộc và nhân loại. Sự thống nhất giữa tư tưởng và hành vi, giữa lý luận và thực tiễn đã trở thành một đặc trưng nổi bật của Hồ Chí Minh, qua đó có thể phân biệt được giữa Hồ Chí Minh và các nhà tư tưởng, lãnh tụ cách mạng khác.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết hợp những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc với những tin hoa đạo đức nhân loại; truyền thống với hiện đại; phương Đông và phương Tây, được hình thành và phát triển từ yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đạo đức Hồ Chí Minh được xem xét toàn diện bao gồm đạo đức công dân, đạo đức cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, người lãnh đạo, quản lý. Đạo đức được nhận diện từ môi trường gia đình, công sở, xã hội; trong các mối quan hệ với mình, với người, với việc. Đạo đức Hồ Chí Minh có giá trị dân tộc và nhân loại, có ý nghĩa lịch sử, hiện tại và tương lại sau này.
Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc, nền tảng của người cách mạng, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, của suối. Người cho rằng : “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Quan điểm về lấy đức làm gốc của Hồ Chí Minh không có nghĩa là tuyệt đối hóa mặt đức, coi nhẹ mặt tài. Ở đây, Bác chỉ nói đức là gốc thôi; đức là gốc, nhưng đức và tài phải kết hợp, phẩm chất và năng lực phải đi đôi, không thể có mặt này, thiếu mặt kia. Theo quan điểm của Bác, người nào có đức mà không có tài thì cũng chẳng khác gì ông bụt ngồi trong chùa, không làm hại ai, nhưng cũng chẳng có ích gì. Ngược lại, nếu có tài mà không có đức, thì cũng chẳng khác gì một anh làm kinh doanh giỏi, đem lại nhiều lãi, nhưng lãng phí, tham ô, ăn cắp của công, thi như vậy chỉ có hại cho dân cho nước, còn sự nghiệp của bản thân thi sớm muộn cũng đổ vỡ. Người thực sự có đức thì bao giờ cũng cố gắng học tập, nâng cao trình độ, nâng cao năng lực, tài năng để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Khi đã thấy sức không vươn lên được thì đối với ai có tài hơn mình, mình sẵn sàng học tập, ủng hộ và nhường bước để họ vượt lên trước. Với sự phân tích đó, cho thấy rõ ý nghĩa của việc lấy đức làm gốc, nhất là đối với người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức, trong đó phần lớn đề cập đến đạo đức của người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, giáo dục đạo đức công vụ (đạo đức của người cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ) là vấn đề cần thiết và phải được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục, thiết thực, hiệu quả. Vì trong nhà nước pháp quyền đòi hỏi nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, mọi người phải sống và làm việc trong khuôn khổ pháp luật; pháp luật trong nhà nước pháp quyền hướng đến mục đích là vì con người, phục vụ con người, cũng như những giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội yêu cầu. Sống trong xã hội có nhà nước pháp quyền, cá nhân nhất thiết phải có đạo đức tốt; đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức. Đạo đức là cơ sở để hình thành nhân cách, hình thành suy nghĩ và hành động, người có đạo đức tốt sẽ có suy nghĩ và hành động tích cực; không có biểu hiện ích kỹ, cá nhân chủ nghĩa, không tích cực tham gia các hoạt động vì lợi ích chung. Nhà nước pháp quyền không cho phép bất cứ người nào vì lợi ích cá nhân có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích chung, lợi ích của quốc gia, dân tộc. Mọi hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.
Để góp phần giáo dục đạo đức công vụ trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, theo tôi cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp sau:
Thứ nhất, cần xây dựng và hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức dành cho cán bộ, công chức, viên chức.
Những chuẩn mực đạo đức là cơ sở để người cán bộ, công chức, viên chức soi rọi, kiểm điểm hành vi trong quá trình thực thi công vụ. Bên cạnh những chuẩn mực đạo đức chung dành cho người cán bộ, công chức, viên chức; mỗi cơ quan, đơn vị; mỗi ngành, lĩnh vực cần xây dựng và hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức riêng phù hợp với những yêu cầu, đòi hỏi thực tế của từng cơ quan, đơn vị, ngành, lĩnh vực. Chuẩn mực đạo đức chung của người cán bộ, công chức, viên chức được thể hiện rõ nét trong tư tưởng, quan điểm đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng; ngoài ra còn được thể hiện trong Luật cán bộ, công chức; Luật viên chức. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, đơn vị, ngành, lĩnh vực có chuẩn mực đạo đức riêng, chẳng hạn như chuẩn mực đạo đức của nhà giáo; của y, bác sĩ; của ngành công an, ngành thuế, ngành thanh tra...Những chuẩn mực đạo đức cần được thường xuyên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để làm cơ sở cho việc giáo dục đạo đức và thực hiện trong thực tế đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chuẩn mực đạo đức nhằm góp phần nâng cao ý thức đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức.
Mục đích của việc xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức là để được thực hiện trong thực tế. Muốn vậy, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải hiểu rõ các chuẩn mực đó và có ý thức tích cực thực hiện, thực hiện trên tinh thần tự giác, tự nguyện. Sống trong xã hội có Nhà nước pháp quyền, đòi hỏi mọi chủ thể phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, phải có ý thức tôn trọng, tìm hiểu và thực thi pháp luật nghiêm chỉnh, mà pháp luật trong nhà nước pháp quyền lại dựa trên nền đạo đức xã hội vì con người, phục vụ con người. Vì thế, việc giáo dục đạo đức và pháp luật là điều cần thiết và cần được thực hiện trước tiên sau khi pháp luật được ban hành. Giáo dục đạo đức công vụ là nhiệm vụ của Nhà nước, đồng thời cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Thứ ba, Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị
Người đứng đầu ở đây muốn nói đến đó là những người có trách nhiệm và quyền hạn cao nhất trong cơ quan, tổ chức, đơn vị như thủ trưởng cơ quan, bí thư chi, đảng bộ; trưởng phòng, trưởng bộ phận. Những người này có sự ảnh hưởng, tác động rất lớn đến các thành viên trong tập thể; từ năng lực, phẩm chất đạo đức đến tác phong, lề lối làm việc. Nếu người đứng đầu là người có đạo đức trong sáng, tâm tốt sẽ là tấm gương để cấp dưới học tập, noi theo. Người đứng đầu là người trực tiếp định hướng, dẫn dắt, động viên, nhắc nhở cấp dưới trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; ngăn ngừa những biểu hiện suy thoái. Tấm gương đạo đức của người đứng đầu trong tập thể được thể hiện hiệu quả nhất là thông qua những hành vi, không phải chỉ bằng những lời nói mà bằng chính những việc làm cụ thể hằng ngày trong công tác lãnh đạo, quản lý.
Thứ tư, có biện pháp phát hiện kịp thời và xử nghiêm minh những hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật.
Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của nhà nước đa số đều thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm, phục vụ tốt Nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức có những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp như: tham ô, nhận hội lộ, cửa quyền, hách dịch, cá nhân chủ nghĩa...làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Những hành vi đó nếu không được phát hiện, chấn chỉnh sẽ ngày càng lang rộng gây hậu quả xấu cho hoạt động quản lý của Nhà nước. Vì thế cần phải có biện pháp để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật để góp phần răn đe, phòng ngừa, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức trong việc chấp hành pháp luật, rèn luyện năng lực, phẩm chất đạo đức trong thực thi công vụ. Để thực hiện tốt điều đó, trước hết cần phải phát huy tốt vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra và các cơ quan, cá nhân tham gia vào quá trình xử lý vi phạm cán bộ, công chức. Ngoài ra, còn phải phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí và từng người dân trong việc tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước.
Thứ năm, làm tốt công tác biểu dương những gương điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong thực thi công vụ
Bên cạnh việc xử lý những hành vi vi phạm để răng đe, phòng ngừa, giáo dục đạo đức đối với cán bộ, công chức, viên chức, cần phải làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng những tấm gương người tốt, việc tốt trong hoạt động công vụ. Đây có thể nói là một trong những biện pháp rất hữu hiệu để giáo dục con người nói chung; cán bộ, công chức, viên chức nói riêng. Gương điển hình tiên tiến là những người có thành tích xuất sắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao; đã thể hiện xuất sắc tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan, tôn trọng Nhân dân; tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, lắng nghe Nhân dân. Biểu dương gương người tốt, việc tốt phải tôn trọng tính chân thật, khách quan, như vốn có trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; tránh cường điệu hóa, tô vẽ không đúng về nhân tố mới và điển hình tiên tiến. Việc công nhận danh hiệu thi đua, khen thưởng theo hình thức luân phiên hoặc theo tỷ lệ dễ tạo ra những hình ảnh không có thật và làm mất đi giá trị tuyên truyền, giáo dục của nhân tố mới và điển hình tiên tiến.
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức là những giá trị đích thực để mỗi người cán bộ, công chức, viên chức học tập và làm theo. Hơn lúc nào hết, trong giai đoạn hiện nay, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, việc giáo dục đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự có đạo đức trong sáng, có suy nghĩ và hành động hướng về cộng đồng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân là điều cần thiết và phải thực hiện tốt, nhưng đây là vấn đề không phải dễ dàng, đòi hỏi phải có thời gian và có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội./.